Khóm Đồng Din ngon nức tiếng tìm hướng đi mới

Trong tâm trí của gần 200 hộ dân ở vùng khóm Đồng Dinh (TT.Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên), nơi này cách đây khoảng 16 năm trước là vùng núi toàn sỏi đá. Bằng sự lao động cần mẫn, họ đã biến nơi đây thành “vương quốc khóm” (còn gọi là thơm, dứa) được xem là lớn nhất miền Nam Trung Bộ. Nhiều người đã thoát nghèo và trở nên khấm khá nhờ cây khóm.

Sống “khỏe” nhờ khóm

Ông Võ Mười, 48 tuổi, vừa gọt khóm “tiếp thị” cho khách vừa kể: “Trước đây vùng đồi núi này chỉ toàn là sỏi đá, chỉ trồng được bạch đàn và leo queo mấy loại rau để bán. Vì trồng trên sỏi đá nên cùng lắm rau chỉ cho đủ ăn, còn bạch đàn thì phải mất ít nhất là gần chục năm mới đem lại giá trị kinh tế. Nhiều người đã nghĩ cách tìm hướng đi mới trên vùng đất cằn cỗi này nhưng cứ loay hoay mãi”.

Tình cờ ra Đà Nẵng thấy ở đây người ta trồng khóm cũng trong điều kiện khắc nghiệt nên một người dân ở Đồng Dinh mang về trồng thử. Trầy trật mãi cuối cùng cũng thành công, từ đó mọi người bỏ hẳn rau, bạch đàn và chuyển sang trồng khóm.

Một trong những người được dân trồng khóm ở đây “tôn” lão làng là ông Lê Hồng Ngọc, 66 tuổi. Ông Ngọc cho biết ông nằm trong số những người đầu tiên lên đây trồng khóm, đến nay đã gần 16 năm, sở hữu hơn 8ha khóm. Những năm gần đây, 1ha khóm luôn mang về cho ông khoảng 100 triệu, như vậy tổng thu nhập của hơn 8ha khóm là gần 800 triệu/1 mùa thu hoạch.

Theo “lão khóm” Lê Hồng Ngọc, khóm là loài cây dễ sống và phát triển tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hơn nữa trồng khóm rất ít rủi ro vì nó “nói không” với hầu hết loài sâu bệnh gây hại. Cây khóm trồng một lần nhưng cho thu hoạch quả đến mười mấy năm, do đó tiết kiệm được một khoản chi phí lớn về cây giống. “Lứa khóm đầu tiên không ngon bằng những lứa sau, còn về cây con thì bây giờ không tốn tiền mua nữa mà lấy ngay chính cây mẹ nảy ra”, ông Ngọc giải thích thêm.

Đi sâu vào vùng núi Đồng Dinh, đâu đâu chúng tôi cũng thấy một màu xanh thẫm của khóm, vụ khóm lần này sẽ được thu hoạch vào khoảng tháng 12 Âm lịch tới chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Ông Nguyễn Văn Xuân tâm sự: “Nhờ khóm mà nhiều người dân ở đây đã thoát nghèo và sống “khỏe”, làm được nhà to, ai có ít gì thì mỗi năm cũng lãi được vài ba chục triệu trở lên, đây là số tiền mà trồng rau sẽ khó có được”.

Sẽ phát triển “khóm sạch”

Theo kinh nghiệm của người trồng khóm nơi đây , nếu chỉ trông chờ vào vụ chính của khóm (tháng 5-6 hàng năm) thì thu nhập cũng không đáng kể. Qua nhiều lần thử nghiệm và học hỏi kỹ thuật trồng khóm từ nơi khác, họ đã biết cách làm cho khóm ra quả nhiều lần trong năm và luân phiên giữ các rẫy để có khóm bán thường xuyên.

“Do có đặc điểm là vị ngọt và thanh hơn khóm ở các nơi khác nên những năm gần đây khóm Đồng Dinh đã được nhiều thương lái ở xa biết đến và tìm về mua. Để tiết kiệm sức người, khóm ở trên đồi núi cao sau khi thu hoạch sẽ cho vào bao và móc vào cáp (tự chế) để tải xuống”, ông Ngọc cho biết.

Ông Võ Mười cho biết, để “ép” khóm ra quả thì chỉ cần tưới đất đèn pha nước lên ngọn khóm. Còn muốn cho nó ra quả vào lúc nào thì chỉ cần tưới đất đèn trước đó khoảng 5 tháng là được. Công thức đưa ra là 1kg đất đèn pha với 100 lít nước để tưới cho khoảng 2000 cây. Không nên tưới đất đèn nhiều vì như thế sẽ làm cho khóm bị “điếng” và không thể ra quả được. Ngoài ra mỗi năm cũng cần bón phân cho khóm một lần trước khi cho ra quả khoảng 3 tháng.

Theo dân trồng khóm, qua gần 15 năm trồng khóm, họ thấy loại cây trồng này rất ít mắc bệnh, thoảng hoặc mới bị rầy, ngay cả bệnh rầy không ở xuất hiện trên diện rộng mà chỉ cục bộ ở một vài rẫy. Trong trường hợp này, khóm sẽ được tỉa bớt lá và phun thuốc thì sẽ khỏi.

Trước hiệu quả kinh tế cao của khóm, phòng NN&PTNN huyện Phú Hòa đã triển khai dự án trồng khóm sạch, đồng thời đăng ký thương hiệu khóm Đồng Dinh. Ông Lương Công Dũng, Trưởng phòng NN&PTNN huyện Phú Hòa, cho biết: “Vùng khóm Đồng Dinh có diện tích hơn 80 ha, mang lại nguồn lợi kinh tế cho người dân rất lớn”. Theo đó, dự án sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện nước phục cho việc trồng khóm. Đồng thời nghiên cứu tìm những loại phế phẩm sinh học để thay thế cho đất đèn, dùng phân sinh học…